Từ 1/7 sẽ chi trả an sinh xã hội qua tài khoản VneID

28/03/2024 | 20:01 GMT+7


Hiện nay, việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán vẫn đang thí điểm, dự kiến sau ngày 1/7/2024 sẽ hoàn thiện và chính thức triển khai.

 

Thông tin được Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân-Trung Tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06), chia sẻ tại Toạ đàm: "Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân", chiều 26/3.

 

Ông Nam cho biết, để hoàn thiện quy trình chi trả an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID, Bộ Công an, C06 cùng với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Kho bạc Nhà nước và các đơn vị, địa phương đã hoàn thiện quy trình và xin ý kiến thống nhất.

 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan và UBND các địa phương cùng công tác tuyên truyền để người dân nhận thức và thụ hưởng những tiện ích rất thuận tiện qua ứng dụng công nghệ chuyển đổi số.

 

-1704-1711450234.jpg

Hướng dẫn chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tại Hà Nội

 

“Về góc độ pháp lý, hiện nay việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán vẫn đang thí điểm, dự kiến sau ngày 1/7/2024 sẽ hoàn thiện và chính thức triển khai”,ông Nam cho hay.

 

Quá trình chi trả liên quan đến rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, tổ chức ngân hàng, do vậy, phải đảm bảo về an ninh, an toàn hệ thống cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân.

 

Trong quá trình thực hiện triển khai, bà Vũ Thị Thanh Hà, Chánh Văn phòng Trung tâm Công nghệ Thông tin, Bộ LĐTB&XH, cho hay ngành LĐTB&XH cùng lực lượng công an đã đi vận động đến từng gia đình, tuy nhiên gặp không ít khó khăn do tỷ lệ đối tượng không đủ điều kiện để mở tài khoản rất nhiều, đặc biệt là những người già yếu, mất khả năng kiểm soát về tinh thần, hoặc người khuyết tật không có vân tay, người chưa được cấp căn cước công dân…

 

“Chúng tôi đã nhận được nhiều đơn từ tập thể người có công, từ các nhóm đối tượng cần bảo trợ xã hội… kiến nghị được nhận tiền mặt thông qua các tổ chức dịch vụ chi trả để đến các bưu cục”, bà Hà cho hay.

 

Để hoàn thành mục tiêu thực hiện tỷ lệ 100% đối tượng được chi trả qua tài khoản của ngành LĐTB&XH, các chuyên gia kiến nghị tất cả các cơ quan liên quan phải có sự phối hợp chặt chẽ, thông tin tuyên truyền đến tất cả người dân nói chung cũng như đối tượng an sinh xã hội nói riêng về những lợi ích mà việc số hóa công tác chi trả an sinh xã hội mang lại.

 

Thứ hai, việc liên thông được dữ liệu giữa các cơ quan khác nhau đảm bảo sạch, sống, đúng đối tượng, đúng mục đích là yếu tố then chốt. “Chính vì vậy, việc sớm triển khai xây dựng hệ sinh thái thanh toán qua ứng dụng VNeID là hết sức cần thiết trong tương lai”, ông Nguyễn Thế Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Chi (Kho bạc Nhà nước) cho hay.

 

Về phía NHNN, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, đánh giá chi trả an sinh xã hội là chủ trương lớn của Chính phủ, góp phần đem lại lợi ích cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này cũng có phần khó khăn so với các đối tượng khác, là nhóm đối tượng yếu thế hoặc có thu nhập thấp.

 

Thời gian qua NHNN đã chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thường xuyên nâng cấp hệ thống, tiện ích để cung ứng các nền tảng thanh toán liên thông, cho phép xử lý tức thời và vận hành 24/7 để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt có thể cho phép chi trả an sinh xã hội an toàn, tiện lợi, nhanh chóng đến người hưởng.

 

Một khía cạnh nữa, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, các tổ chức thanh toán đã phát triển hệ sinh thái số, cụ thể ở đây là các tài khoản thanh toán, ví điện tử, tài khoản mobile banking để đáp ứng cho người dân có nhu cầu chi trả an sinh xã hội, để tiếp nhận và sử dụng nguồn tiền nhận được.

 

“NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại miễn, giảm phí mở tài khoản gắn với an sinh xã hội, giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn”, ông Dũng nói.

 

 

 

 

 

 

 

 

Thanh Hoa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

https://vnbusiness.vn/an-sinh/tu-1-7-se-chi-tra-an-sinh-xa-hoi-qua-tai-khoan-vneid-1098967.html

Các bài viết khác